Đây mới là thử thách bơi biển thứ 2 trong đời của Nguyễn Hồng Lợi. Để chuẩn bị,ìnhngưkhôngchânthamdựsữa glucerna mỗi ngày anh đều xuống hồ bơi Yết Kiêu, quận 1 từ 7h. Anh dành khoảng một tiếng để tập các bài rèn thể lực. "14 năm thi đấu, thể lực, kỹ thuật tôi đều chuẩn bị bài bản, nhưng bơi biển lần này cần hết sức tập trung và tập nghiêm túc theo giáo án", anh nói.
Ngay sau các bài làm nóng trên cạn, kình ngư lao xuống hồ, bơi 200 m nhẹ nhàng. Anh nghỉ ngắn rồi bơi thêm 800 m liên tục. Sau 800 mét là một khoảng nghỉ ngắn để chuẩn bị cho quãng đường 1.000 m. Quãng đường bơi ngày tiếp theo sẽ dài hơn ngày hôm trước để đảm bảo tích lũy đủ thể lực.
Một tuần trước giải, VĐV này sẽ giảm cường độ tập để cơ thể không quá tải. "Sóng, thời tiết, dòng chảy là rào cản của người chưa quen, nhất là khi tôi chỉ có một tay. Vì vậy, chuẩn bị kỹ về thể lực theo tôi quan trọng nhất", kình ngư 36 tuổi chia sẻ.
Nguyễn Hồng Lợi là một trong những VĐV đặc biệt tham gia giải hai môn phối hợp DNSE Aquaman Vietnam. Anh từ nhỏ khuyết tật hai chân, tay phải teo. Chỉ với cánh tay trái bình thường, anh nỗ lực trở thành VĐV bơi lội quốc gia. Với 14 năm thi đấu, Lợi chinh phục hàng chục tấm huy chương, trong đó có huy chương đồng ASEAN Para Games 2014.
Sở trường là các cự ly ngắn trong hồ như 200 m, 400 m, bơi biển cự ly dài với anh Lợi là trải nghiệm hoàn toàn khác, lạ lẫm và khó. Anh chỉ mới va chạm với biển tại một giải ba môn phối hợp năm 2018. Năm năm trôi qua, VĐV sinh năm 1987 chưa từng trở lại nội dung này. Việc quyết định tham gia cự ly 2km tại Aquaman Vietnam được anh đánh giá là thử thách lớn nhưng cũng đầy thú vị vì là dịp để thỏa mãn khát khao vượt sóng, chinh phục biển cả.
Chỉ với tay trái nhưng kỹ thuật và tốc độ bơi của anh Lợi không khác người bình thường. Anh tự đánh giá tốc độ nhanh hơn nhiều người mới chơi nhờ tập luyện bơi và gym hàng chục năm. Thời gian đầu tìm đến bơi, VĐV này thường bị lệch một bên do lực của hai tay không đều. Huấn luyện viên hỗ trợ điều chỉnh giáo án, chỉnh sửa kỹ thuật để định hướng đường bơi thẳng.
Dù chưa có nhiều cơ hội thi đấu trên biển nhưng anh Lợi không thấy lo lắng. Ngược lại, VĐV nôn nao, đếm từng ngày đến lúc thi đấu. Theo anh, việc được bơi cùng hàng trăm người, tận hưởng những con sóng và nỗ lực vượt lên chính mình đã là điều thành công. Hơn nữa, những giải đấu như Aquaman Vietnam luôn có đội ngũ hỗ trợ, đảm bảo an toàn đường bơi. Anh đặt mục tiêu hoàn thành cự ly dưới một tiếng.
Trong lần đầu dự Aquaman Vietnam, Nguyễn Hồng Lợi có chút lo lắng với phần chạy. Anh mong có thể chạy được càng xa càng tốt. Mỗi bước dù tập tễnh đều chứng minh khát khao và nỗ lực, có thể truyền cảm hứng để mọi người cùng nhau đến với thể thao, tập luyện chăm chỉ và sống tích cực hơn.
"Aquaman Vietnam cho tôi cơ hội làm những điều trước đây chưa từng", anh nói và hy vọng giải đấu tại Phan Thiết là khởi đầu để anh tập luyện, hướng đến việc tham gia nhiều giải hai môn phối hợp hơn sau này. "Tôi có thể theo đuổi thể thao hàng chục năm thì mọi người cũng sẽ làm được điều mình muốn, miễn là đủ khát khao".
Nguyễn Hồng Lợi học bơi từ năm 2005 và thi đấu cho đội tuyển từ 2009. Anh sở hữu bộ sưu tập 25 huy chương vàng tại các giải thể thao lớn nhỏ. Gác lại vai trò của một kinh ngư, anh Lợi vẽ và thiết kế áo dài, dạy bơi cho trẻ, trong đó có khuyết tật. Anh kết hôn cùng nhà thiết kế Tường Nghĩa năm 2020 và có một con gái. VĐV cùng vợ có gian hàng kinh doanh bên trong Bảo tàng Áo dài TP HCM.
DNSE Aquaman Vietnam là giải đấu lớn nhất của kình ngư Hồng Lợi trong năm 2023. Giải đấu tổ chức tại NovaWorld Phan Thiet, dự kiến thu hút khoảng 1.000 VĐV. "Tôi mong hình ảnh vượt biển cùng hàng nghìn người sẽ xóa nhòa ranh giới với người khuyết tật. Hình ảnh đẹp sau giải là tinh thần thể thao, tình yêu và những giọt mồ hôi của nỗ lực", kình ngư không chân chia sẻ.
Hoài Phương